CHỮA LƯU, SẢY THAI
1.Thai lưu là gì?
Thai lưu được định nghĩa là thai không có khả năng sống trong tử cung; biểu hiện bằng túi thai trống (không phôi và có hay không có yolksac) hoặc túi thai chứa phôi hay thai không có hoạt động tim thai
2. Nguyên nhân nào dẫn đến thai lưu?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thai lưu và cũng có nhiều trường hợp thai lưu không rõ nguyên nhân. Những nguyên nhân thường gặp là:
2.1. Vấn đề ở người mẹ
- Mẹ có bệnh lý mãn tính hoặc nội tiết như: thiếu máu, cao huyết áp, bệnh tim mạch, suy gan, viêm thận, tiểu đường, suy giáp, cường năng tuyến thượng thận,…
- Bị nhiễm độc, viêm gan, nhiễm ký sinh trùng, quai bị, giang mai, cúm, sởi trong quá trình mang thai,…
- Thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, hóa chất độc hại trong môi trường thuốc trừ sâu, carbon monoxide,…
- Mẹ đã có tiền sử sẩy thai, thai chết lưu.
- Mẹ lạm dụng rượu bia, chất kích thích, béo phì.
- Mẹ mang thai ở độ tuổi không phù hợp (dưới 15 tuổi và trên 35 tuổi).
- Mẹ lao động vất vả và dinh dưỡng kém.
- Bản thân hoặc gia đình có tiền sử bệnh lý đông máu như huyết khối, viêm tĩnh mạch huyết khối hoặc thuyên tắc phổi.
2.2. Vấn đề ở thai nhi
- Rối loạn nhiễm sắc thể thường do di truyền từ bố mẹ hoặc do đột biến gene trong quá trình tạo noãn, tạo tinh trùng, thụ tinh và phát triển của phôi.
- Thai có thể bị lưu do bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con.
- Thai lưu do dị tật bẩm sinh, não úng thủy, phù thai rau.
- Thai bị nhiễm khuẩn trong bụng mẹ.
2.3. Vấn đề trên phần phụ và tử cung
- Người mẹ bị dị dạng tử cung như tử cung nhi tính, tử cung kém phát triển,… khiến thai nhi nuôi dưỡng kém, thiếu chất dẫn đến thai lưu.
3. Những triệu chứng thường gặp của thai lưu?
- Nhiều trường hợp thai chết lưu âm thầm, không có triệu chứng, khiến cho việc chẩn đoán khó khăn.
- Ban đầu thai phụ có các dấu hiệu có thai như: chậm kinh, nghén, bụng to dần, hCG trong nước tiểu dương tính, siêu âm đã thấy thai và hoạt động tim thai.
- Sau đó xuất hiện: giảm nghén, ra máu âm đạo tự nhiên từng chút một, không đau bụng, máu đỏ sẫm hay nâu đen.
- Bệnh nhân thấy bụng bé đi hay không thấy bụng to lên mặc dù mất kinh đã lâu.
- Khám thấy thể tích tử cung bé hơn so với tuổi thai, mật độ tử cung đôi khi chắc hơn so với tử cung có thai sống.
4. Những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán thai lưu?
– Siêu âm là thăm dò có giá trị, cho chẩn đoán sớm và chính xác:
- Trên siêu âm có thể thấy âm vang thai rõ ràng mà không thấy hoạt động của tim thai hoặc chỉ nhìn thấy túi ối mà không thấy âm vang thai – còn gọi là hình ảnh túi ối rỗng.
- Hình ảnh túi ối rỗng càng chắc chắn là thai lưu nếu kích thước lớn (đường kính trên 35 mm), bờ túi ối méo mó, không đều.
- Trong những trường hợp nghi ngờ, bác sỹ sẽ kiểm tra lại bằng siêu âm sau 1 tuần xem tiến triển của túi ối để có kết luận chính xác.
– Xét nghiệm máu để định lượng nồng độ HCG trong máu nhằm hỗ trợ chẩn đoán.
– Đánh giá chức năng đông cầm máu để đánh giá biến chứng rối loạn đông cầm máu nếu có.
– Các xét nghiệm cơ bản khác: tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, HbsAg, HIV được thực hiện trước điều trị.
5. Những bệnh lý cần chẩn đoán phân biệt với thai lưu?
- Thai ngoài tử cung: Biểu hiện chậm kinh, đau bụng, ra máu đen ở âm đạo, tử cung lớn hơn so với tuổi thai. Siêu âm không có túi ối trong buồng tử, cạnh tử cung có khối bất thường nghi ngờ khối thai, có thể có dịch cùng đồ.
- Chửa trứng: Dể nhầm với chửa trứng thoái triển vì bệnh cảnh lâm sàng giống nhau. Giải phẫu bệnh lý nạo buồng tử cung cho chẩn đoán xác định.
- Dọa sẩy thai: Đặt biệt dọa sẩy thai sớm dưới 6 tuần siêu âm chưa thấy tim thai. Ra máu âm đạo đỏ tươi chứ không phải đỏ sẫm, thường có đau bụng kèm theo. Siêu âm có có thể chưa thấy phôi thai và tim thai nhưng bờ túi ối căng tròn, có túi noãn hoàng. Siêu âm kiểm tra lại sau 1 tuần là cần thiết.
- Tử cung có u xơ: Ra máu âm đạo bất thường, tử cung to hơn tuổi thai. Siêu âm có thai kèm u xơ tử cung.
- Thai sống: Thăm khám, theo dõi để tránh những chẩn đoán nhầm lẫn đáng tiếc.
6. Thai lưu gây ra những biến chứng nào?
6.1. Rối loạn đông máu
- Thromboplastin có trong nước ối và tổ chức thai đã chết đi vào tuần hoàn máu mẹ đặc biệt khi tử cung có cơn co, hay khi can thiệp vào buồng tử cung, hoạt hóa quá trình đông máu gây ra đông máu rải rác trong lòng mạch, làm fibrinogen trong máu tụt xuống thấp.
- Biểu hiện triệu chứng: Chảy máu diễn ra từ từ, máu không đông, xuất hiện sau khi can thiệp vài giờ thậm chí chảy máu nhiều, máu không đông, gây mất máu cấp tính.
- Xét nghiệm cho kết quả: Fibrinogen rất thấp hay không có.
6.2. Nhiễm trùng
- Khi màng ối còn: không có nguy cơ nhiễm trùng.
- Khi ối đã vỡ, đặc biệt khi ối vỡ lâu: nhiễm trùng sẽ rất nhanh và nặng vì ngoài các vi khuẩn thường gặp còn có thể nhiễm các vi khuẩn yếm khí.
7. Thai lưu được điều trị như thế nào?
7.1. Điều trị nội khoa
Là phương pháp chấm dứt thai lưu trong tử cung bằng cách sử dụng thuốc Misoprostol đơn thuần hoặc kết hợp Mifepriston bằng cách ngậm dưới lưỡi, đặt âm đạo theo phác đồ điều trị.
7.2. Điều trị ngoại khoa
- Là thủ thuật hút buồng tử cung bằng syringe Karman.
- Trước khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân được thực hiện giảm đau – vô cảm: Uống thuốc giảm đau Paracetamol 1g trước khi làm thủ thuật 30 phút kết hợp với tiền mê bằng Pethidine-hameln 50mg/ml x 1 ống, hoà loãng tiêm tĩnh mạch chậm.
- Kết hợp chuẩn bị CTC Misoprostol 200 mcg x 2 viên hay ngậm dưới lưỡi 1 tiếng hoặc đặt âm đạo 3 tiếng trước khi làm thủ thuật.
8. Chống chỉ định điều trị nội khoa thai lưu trong trường hợp nào?
- Bệnh lý tuyến thượng thận.
- Điều trị corticoid toàn thân lâu ngày.
- Tăng hyết áp, hẹp van 2 lá, tắc mạch hoặc có tiền sử tắc mạch.
- Nghi ngờ thai ngoài tử cung hay thai trứng, thai đóng trên sẹo mổ cũ.
- Rối loạn đông máu, sử dụng thuốc chống đông.
- Thiếu máu nặng.
- Dị ứng Misoprostol, Mifepristone.
9. Những biến chứng có thể gặp sau khi điều trị ngoại khoa là gì?
- Chảy máu nhiều.
- Rong huyết kéo dài, mệt mỏi, có triệu chứng mất máu cấp.
- Nhiễm khuẩn.
- Thủng tử cung.
- Choáng.
10. Những điều cần biết trước khi điều trị?
Trước khi điều trị, thai phụ sẽ được:
- Động viên tinh thần, giải tỏa áp lực tâm lý.
- Bác sỹ sẽ giải thích rõ nguyên nhân và hậu quả của thai chết lưu.
- Tư vấn phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa cùng với tiến trình thực hiện để thai phụ lựa chọn.
- Tư vấn rõ hiệu quả, lợi ích, tác hại, quy trình của việc phá thai bằng thuốc.
- Được tư vấn giải thích rõ phát đồ điều trị nội hay ngoại khoa.
- Sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin, thai phụ ký cam kết tự nguyện với phương pháp điều trị (dưới 18 tuổi phải có đơn cam kết của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ).
11. Những điều cần biết trong và sau khi điều trị?
11.1. Trong quá trình điều trị
- Bệnh nhân giữ tinh thần thoải mái.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, không kiêng khem, uống đủ nước (1,5-2 lít nước/ngày).
- Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sỹ.
- Có thể xuất hiện những triệu chứng liên quan đến tác dụng phụ khi điều trị nội khoa: Tê rần đầu lưỡi, tê tay, đau bụng, đau bụng đi cầu lỏng, sốt, rét run, ra máu âm đạo, khi triệu chứng xuất hiện nhiều cần báo với nhân viên y tế.
- Nếu có dấu hiệu bất thường như: chóng mặt, mệt, ra máu nhiều (ra máu đỏ tươi, nhiều máu cục, bản thân chóng mặt hoặc ra máu ướt 2-3 băng vệ sinh/1h) báo ngay cho nhân viên y tế để xử trí.
11.2. Sau khi điều trị
- Sử dụng thuốc đúng với hướng dẫn của bác sỹ.
- Được tư vấn giải thích rõ phát đồ điều trị nội hay ngoại khoa.
- Tái khám đúng hẹn theo lịch hẹn 7-14 ngày sau khi xuất viện.
- Luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện và nâng cao sức khỏe.
- Thời điểm có thai lại nên sau khi tái khám ổn định (ít nhất 3 tháng) và trước khi mang thai cần kiểm tra tình trạng sức khỏe cả hai vợ chồng.
- Theo dõi tình trạng ra máu âm đạo, dịch âm đạo, đau bụng, sốt.
- Tái khám ngay nếu phát hiện bất thường: Ra máu nhiều, máu ướt đẫm hai băng vệ sinh trong vòng một giờ và kéo dài trong hai giờ liên tiếp; Sốt >38 độ C kéo dài > 6 giờ; Đau bụng nhiều không đáp ứng với thuốc giảm đau.
12. Cần làm gì để dự phòng thai lưu?
12.1. Trước khi mang thai
- Khám tư vấn tiền hôn nhân trước 3-6 tháng để kiểm tra các bệnh về rối loạn tâm thần, bệnh di truyền (hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu Thallasemia,…), bệnh truyền nhiễm, các quan hệ huyết thống, bệnh sử gia đình.
- Đối với những phụ nữ mắc các bệnh lý nội khoa, mạn tính như: thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch,… thì cần điều trị cho thật ổn định và tầm soát một số bệnh lý nhiễm khuẩn qua các xét nghiệm huyết thanh học trước khi mang thai.
- Đối với thai phụ có tiền sử thai chết lưu cần thiết phải khám tìm nguyên nhân trước khi mang thai lại. Khi có thai phải đi khám thai sớm, ngay khi trễ kinh hoặc muộn nhất là 3 tháng đầu thai kỳ.
- Tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai.
- Nếu béo phì cần giảm cân trước khi mang thai.
12.2. Trong quá trình mang thai
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh xa rượu, bia, thuốc lá và các chất độc hại.
- Khám thai định kỳ theo lịch hẹn với bác sỹ.
- Khám ngay khi phát hiện bất thường.
Hầu hết những mẹ bầu ít kinh nghiệm thường lo sợ các vấn đề có thể xảy ra với thai nhi. Trong đó thai lưu là biến cố đau lòng mà không mẹ bầu nào mong muốn, các biện pháp can thiệp y tế lúc này không thể cứu được tính mạng của trẻ. Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại Phòng Khám Sản Phụ Khoa Thắng Trang có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất. Nếu cần tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, thai kỳ, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 𝟎𝟗𝟔𝟐 𝟓𝟒𝟎 𝟎𝟐𝟑.